Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Giai cuu thi truong bat dong san- Lieu phap co tinh kha thi

(CL)-Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất huy động giảm 1%, không ít doanh nghiệp BĐS khấp khởi mừng thầm, hy vọng động thái này sẽ "cứu" thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và giới đầu tư đất đai, việc hạ lãi suất chỉ là liệu pháp tinh thần... Thị trường BĐS vẫn còn quá khó để được giải cứu, nếu không có các biện pháp "đồng bộ" khác. Cứ cho là vốn ngân hàng sẽ ưu ái khu vực BĐS, nhưng làm thế nào để "kích" được thị trường này thì lại là một chuyện khác.

Động thái mới của Ngân hàng có cứu được thị trường BĐS đóng băng như hiện nay?

Về phía hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm "giải cứu thị trường BĐS" đã khá rõ ràng. Trong Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), một trong các biện pháp để xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng TCTD được đưa ra là: "Đối với một số loại công trình, BĐS thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước". Như vậy, biện pháp mua lại các dự án BĐS đang tồn đọng này dường như sẽ là cái phao cứu sinh để giải cứu BĐS sau một loạt các biện pháp đã đưa ra trước đó.

Động thái hạ lãi suất trần huy động xuống 12%, cùng với một loạt những giải pháp khác được cho là hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như mở rộng tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng như nới lỏng cho vay bất động sản, được xem là bất ngờ đối với nhiều người. Bất ngờ ở đây không phải là vì trần lãi suất được hạ lần thứ hai trong một khoảng thời gian ngắn, mà là do động thái nới lỏng gần như hoàn toàn đối với lĩnh vực cho vay bất động sản – một lĩnh vực mà chỉ một vài tháng trước đây còn được ngân hàng Nhà nước cho là hết sức rủi ro.

Hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản đang đói vốn và không ít trong số đó đang muốn "bỏ của chạy lấy người", vì giá trị của bất động sản được đem đi cầm cố đã thấp hơn rất nhiều so với giá trị các khoản nợ vay. Điều này, nếu xảy ra, sẽ gây hiệu ứng dây chuyền, buộc các ngân hàng sẽ phải bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn.
Hiệu ứng dây chuyền này sẽ đẩy thị trường bất động sản ngày càng lún sâu hơn. Do đó, việc cứu thị trường bất động sản là điều tất yếu. Nhưng liệu bơm vốn thông qua kênh ngân hàng có giúp cho các doanh nghiệp khỏe lên? Điều này là rất khó. Không chỉ thế, nó còn tạo ra nhiều rủi ro mới cho nền kinh tế vì thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian vừa qua không phải là do các doanh nghiệp thiếu vốn mà là do không bán được hàng. Hay nói cách khác, nguyên nhân xuất phát từ phía cầu chứ không phải do phía cung. Do vậy, việc bơm vốn cho các doanh nghiệp bất động sản gần như không hiệu quả vì không giúp giải quyết được bài toán thanh khoản cho thị trường bất động sản. Thêm nữa, khoảng cách giữa chính sách và việc thực thi của các ngân hàng vẫn còn rất lớn. Các ngân hàng vẫn sẽ rất thận trọng trong việc cho vay ở khu vực bất động sản vì rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay còn lớn. Do đó, hạ lãi suất, nới lỏng tín dụng là một chuyện nhưng vay được vốn hay không lại là chuyện khác.

Vì vậy, thị trường BĐS vẫn còn quá khó để được cứu, nếu không có các biện pháp "đồng bộ" khác. Vốn đã nằm ì quá lâu, thị trường này giống như một cơ thể còn đang bị bệnh tật hành hạ mà chưa thể bật dậy ngay được. Cứ cho là vốn ngân hàng sẽ ưu ái khu vực BĐS, nhưng làm thế nào để "kích" được thị trường này thì lại là một chuyện khác. Chuyên gia Tài chính – Đầu tư Đinh Thế Hiển cho rằng, xét trong bối cảnh hiện nay, khi viện phí, xăng, điện, gas, than, rồi sắp tới lại tiếp tục là điện… liên tục điều chỉnh tăng, đổ bộ cùng một thời điểm từ nay cho đến hết tháng 3, hay nói cách khác là tập trung tính vào giá cùng một lúc, theo cách nói của TS Trần Du Lịch, thì phải đến tháng 6/2012, nếu chỉ số giá tiêu dùng vẫn kiềm giữ được niềm tin của người dân, thì may ra cánh cửa tín dụng mới được nới lỏng thực. Do đó, trong khi xếp hàng chờ tới lượt được "giải cứu", phần lớn DN BĐS vẫn chưa vội ăn mừng!

Đến đây, để kết thúc, xin trích ý kiến mà viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã phát biểu: "Thị trường bất động sản là thị trường tài sản lớn nhất hiện nay, nếu nó nguy kịch thì tầm chấn động của nó sẽ rất khủng khiếp. Nhà nước có đủ sức cứu thị trường bất động sản không? Bơm lượng tiền khổng lồ, dẫn đến lạm phát ngay, nền kinh tế sụp đổ ngay. Dùng lượng tiền vừa phải để giải cứu, đó là một nghệ thuật kích như thế nào cho thị trường chạy. Chỉ sợ tiền giải cứu chảy vào túi nhà đầu cơ chứ không chảy vào người có nhu cầu".

Khánh An

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét