Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thap lai niem tin

Khiêm tốn, giản dị nhưng thẳng thắn và quyết đoán là những gì tôi cảm nhận được ngay từ lần đầu gặp Huy. Bên ly cà phê tí tách, Với giọng nói trầm ấm, nhỏ nhẹ đặc trưng xứ Huế, Huy tâm sự với tôi chuyện về một thời lầm lỗi, chuyện học hành và cả chuyện hoàn lương để trở thành một giám đốc doanh nghiệp như hiện nay…

Thap lai niem tin

Gian nan đường đời

12 năm trước, Huy nổi tiếng là "đại ca nhí" ở trường và khu phố vì những trò nghịch dại, gây gổ đánh nhau. Không ít lần bố mẹ Huy phải muối mặt đi xin lỗi hàng xóm, bạn bè. Sau mỗi lần con mắc lỗi, bố mẹ Huy không ngớt lời khuyên răn, thậm chí còn đánh đòn. Nhưng dường như bố mẹ càng cố gắng bảo ban, giáo dục thì Huy càng lỳ lợm, ương bướng hơn.

Vì gây rối trật tự công cộng, Huy phải đi cải tạo sáu tháng. Cảm giác dài đằng đẵng của thời gian thụ án đã khiến chàng trai 8x này dần thấm thía những lỗi lầm đã gây ra. Càng thấm thía hơn khi một bạn tù già đã tặng Huy những lời khuyên chân tình: "Ta thấy con có thiện tâm trong sáng. Sau này ra tù hãy gắng mà sống tốt, sống đẹp…".

Nhấp một ngụm cà phê, giọng nói trầm xuống, Huy tiếp tục kể cho tôi nghe về cuộc sống sau những ngày thụ án. Nó gian nan, vất vả hơn những gì Huy tưởng tượng. Học hành dang dở, nghề nghiệp không có, lại bị mọi người chung quanh kỳ thị, Huy thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Bố mẹ Huy cũng mất hết niềm tin vào đứa con ngỗ ngược của mình… Huy đã dằn vặt, trăn trở rất nhiều. Lúc Huy mất thăng bằng về tinh thần, phương hướng trong cuộc sống thì bác Tám, Trưởng công an phường Phú Hiệp, nơi Huy cư trú đã hết lòng động viên, khuyến khích anh đi học trở lại.

Nghe lời bác Tám, Huy xin đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Không phụ lòng bố mẹ và bác Tám, Huy luôn đạt thành tích khá và giỏi trong học tập. Học xong THPT, Huy tiếp tục đăng ký học nghề sửa chữa ôtô, máy nổ tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Thời khắc nhận tấm bằng tốt nghiệp trên tay, với niềm hy vọng tràn đầy, Huy mong trở thành một người thợ sửa chữa ô-tô giỏi để bố mẹ có thể tự hào về mình. Nhưng không nơi nào dám nhận Huy vào làm chỉ vì những lỗi lầm trước đó. Lúc này, Huy càng ân hận và thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn để được là người tốt. Song chính điều đó đã làm cho Huy càng quyết tâm hơn.

Lúc bấy giờ ở TP Huế đang "rộ" lên phong trào chơi cây cảnh, chó cảnh. Nắm bắt cơ hội "vàng", chàng trai trẻ lặn lội ra TP Hải Phòng, Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh… để mua chó cảnh, cây cảnh về bán kiếm lời. Những phi vụ "một vốn, bốn lời" đã cho Huy những bài học đầu tiên về thương trường. Đang ăn nên làm ra thì tình cờ xem tivi, Huy thấy một số người dân ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đang tháo dỡ một xác nhà Rường mục nát. Không ngại đường xa, Huy phóng xe máy ra Quảng Trị để hỏi mua ngôi nhà.

Đến nơi, Huy phát hiện không chỉ có một gia đình muốn bán nhà Rường mà có tới ba gia đình cùng muốn bán nhà để xây nhà mới. Các chủ nhà đồng ý bán nhưng Huy chỉ có đủ tiền để mua một căn nhà. Không chút đắn đo, Huy quyết định bán luôn chiếc xe máy đang đi để dồn đủ tiền mua cả ba căn nhà Rường với giá 4,2 triệu đồng. Không lâu sau, Huy đã bán lại những xác nhà Rường đó cho một nhà sưu tầm với giá 22 triệu đồng.

Hướng thiện, thành tỷ phú

Nhận thấy đây là cơ hội làm ăn tốt, Huy dồn hết số tiền lâu nay kiếm được để mua bán nhà Rường.

Nhiều căn nhà Rường được Huy mua đi, bán lại cho những người yêu nhà Rường cổ ở Huế và nhiều địa phương khác. Năm 2006, ở tuổi 22, Huy đã có trong tay gần ba tỷ đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Huy.

Kiếm được nhiều tiền nhưng ông chủ trẻ này lại mơ ước phục dựng được một ngôi nhà Rường cổ thật đẹp. Trong số những ngôi nhà mà Huy mua được, có một căn nhà Huy luôn trân trọng và coi đó là cơ hội dẫn mình đến với nghề phục dựng nhà Rường cổ. Năm 2007, một gia đình ở TP Huế muốn bán căn nhà Rường cũ. Chủ nhà gọi anh đến và rao giá 17 triệu đồng. Nhìn qua đống gỗ, Huy liền rút tiền trả luôn.

Khi tôi hỏi: vì sao không mặc cả như những căn nhà khác? Huy cho biết: Do ham đọc sách lịch sử về các triều vua nhà Nguyễn nên em biết đây là ngôi nhà của Đệ nhất Giai phi (vợ vua Khải Định). Các cột gỗ dựng nhà to, đẹp và tốt hơn các ngôi nhà của quan lại, dân thường.

Khi đã mua được căn nhà này cộng với số cột gỗ đẹp mà Huy tích góp được, Huy bắt đầu thực hiện mơ ước của mình... Khung nhà được phục dựng, ông chủ tiệm vàng Duy Mong lớn nhất TP Huế đến xem và ngỏ ý muốn mua lại với giá năm tỷ đồng sau khi hoàn thiện. Với số tiền lớn như vậy, Huy thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì sự khởi đầu thuận lợi, lo vì hợp đồng ký kết có ghi rõ "khi nào giao chìa khóa mới thanh toán tiền".

Sau một thời gian miệt mài làm việc, căn nhà Rường hoàn thành với tổng diện tích 150 m2. Lúc nhận nhà, ông Duy Mong rất hài lòng về cách bày trí, nét chạm khắc tinh xảo theo đúng khuôn mẫu nhà Rường cổ và đặt tên cho ngôi nhà là Tịch Tâm Kim Cổ. Hiện Tịch Tâm Kim Cổ được dân chơi nhà Rường đánh giá là ngôi nhà đẹp nhất TP Huế.

Sự kiện Tịch Tâm Kim Cổ đã làm cho dân chơi nhà Rường gần xa biết đến Huy.

Đến nay, Huy đã phục dựng hàng chục ngôi nhà Rường như quán cà phê Lâm Chấn Âu ở TP Long Xuyên (An Giang), các ngôi chùa Châu Lâm, Diệu Ngộ, Huyền Trân Công Chúa ở TP Huế… Song, Huy luôn mong ước sẽ phục dựng được thật nhiều nhà Rường cổ cho mảnh đất Thần Kinh. Bởi Huy luôn tâm niệm rằng: "Tiền đối với công việc làm ăn thì rất quan trọng nhưng với người Huế thì những giá trị văn hóa ẩn chứa trong mỗi ngôi nhà Rường còn quan trọng gấp nhiều lần…".

Vì điều đó mà nhiều thợ mộc giỏi đã tình nguyện về làm việc cho Công ty Thiên Ấn, trong đó có cả những người tàn tật, những phạm nhân một thời lầm lỗi.

Tại xưởng mộc của Công ty, tôi gặp Nguyễn Đức Thắng, một thợ mộc chuyên dựng khung nhà Rường, trước đây, cũng từng lầm lỗi như Huy. Sau khi ra trại, Thắng không tìm được công việc ổn định. Đồng cảm với hoàn cảnh của bạn, Huy đã rủ Thắng về làm tại xưởng. Nhiều công nhân cũng bộc bạch rằng, sở dĩ họ thích làm việc ở Thiên Ấn vì Huy đối xử rất chân thành, trả lương xứng đáng và luôn động viên, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Giữa Huy với công nhân luôn có sự đồng cảm, không phân biệt ông chủ và người làm thuê.

Hiện cơ sở của Huy có khoảng 50 công nhân làm việc thường xuyên và hơn 200 lao động thời vụ, với mức lương từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Một số thợ giỏi được Huy trả tới 12 triệu/tháng. Công việc kinh doanh của Huy được mở rộng ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương… Ngoài ra, hằng năm doanh nghiệp của Huy còn tích cực ủng hộ, xây mới nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong tỉnh.

Trong câu chuyện về việc làm ăn, về những trăn trở suy tư, Huy trầm ngâm, tôi được như ngày hôm nay là nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè; sự nỗ lực của bản thân.

Huy kể "khi đi cải tạo về, tôi đã dành thời gian đọc rất nhiều sách, báo về văn hóa, lịch sử cho đến kinh tế, chính trị… Trong những cuốn sách tôi đọc, có cả những câu chuyện đầy xúc động về thời niên thiếu của Bác Hồ. Và, có một sự thật là, tôi đã đem những điều học được ở Bác để áp dụng vào công việc, vào cuộc sống..."

Giờ đây, có thể khẳng định rằng công việc mà Huy đang làm đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn kiến trúc nhà Rường xứ Huế. Quan trọng hơn, nó đã đem lại niềm tin của Huy vào cuộc sống. Và Huy đem niềm tin đó thắp lại niềm tin cho những người tàn tật, những người có một thời lầm lỗi.


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét