Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Lao dong bo tron, he luy khon luong

GiadinhNet - Mỗi năm có tới 6.600 lao động bỏ trốn - Đó là tình trạng đáng báo động của lao động Việt Nam tại Đài Loan từ năm 2003 tới nay.

Nhiều hệ luỵ khôn lường ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang thị trường truyền thống này. Đặc biệt, nguy cơ Đài Loan hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam đang hiện hữu…

Lao động bỏ trốn, hệ luỵ khôn lường

Hiện tượng lao động bỏ trốn sẽ khiến hoạt động XKLĐ gặp khó khăn. Ảnh: Chí cường

Sắp hết hạn là… trốn!

Theo thống kê, hiện có tổng cộng 67 doanh nghiệp còn giấy phép của Đài Loan cấp được hoạt động đưa lao động sang làm việc tại nước này. Từ 67 doanh nghiệp này đã "đẻ" ra tới hơn 100 chi nhánh, trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo nhằm tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động đi làm việc tại Đài Loan. Như vậy, chưa tính các văn phòng đại diện thì hiện nay chúng ta có khoảng trên 300 đầu mối đưa lao động sang Đài Loan.

Đây là tình trạng xấu đang xảy ra của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. Theo đó, công bố từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) cho thấy những con số đáng báo động về tình trạng này. Từ năm 2003 tới nay, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh. Trung bình mỗi năm có tới 6.600 lao động bỏ trốn, tương đương 550 lao động/tháng. Con số này chiếm tới 8%/năm so với tổng số lao động nước ta có mặt tại nước này.


Thông tin từ Cục QLLĐNN khẳng định, đối tượng lao động bỏ trốn tập trung vào nhóm sắp hết hạn hợp đồng, trốn do không muốn về nước. Cũng theo đơn vị quản lý lao động này thì Đài Loan là một trong những thị trường XKLĐ trọng điểm của Việt Nam. Từ 11/1999 đến nay, Việt Nam đã đưa khoảng trên 250.000 lượt người sang làm việc tại Đài Loan, bình quân khoảng gần 23.000 lao động/năm.

Từ tháng 12/2011, Việt Nam là nước có số lượng lao động làm việc tại Đài Loan đông thứ hai, chỉ sau lượng lao động đến từ Indonesia với 93.000 người, chiếm 21,78% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan. Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan trong các lĩnh vực như sản xuất chế tạo; phục vụ xã hội và cá nhân; xây dựng và nông, lâm, ngư nghiệp… Ngoài ra, còn khoảng gần 2.500 lao động là thuyền viên tàu đánh cá xa bờ, thuỷ thủ tàu vận tải làm việc trên các tàu đánh cá và tàu vận tải quốc tịch Đài Loan.


Tình trạng bỏ trốn của lao động, theo đánh giá của Cục QLLĐNN đang ảnh hưởng xấu đến chính sách XKLĐ của Việt Nam, quyền lợi của người lao động và kinh tế đất nước. Cục QLLĐNN khẳng định, phía Đài Loan sẽ hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam đang trở thành nguy cơ hiện hữu.

Trước đó, từ năm 2004 tới nay, Đài Loan đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt nam trong 2 nghề đó là thuyền viên tàu cá gần bờ và giúp việc gia đình; không cấp giấy phép mới cho các doanh nghiệp Việt nam đưa lao động sang Đài Loan. Nguyên nhân của các động thái nêu trên từ Đài Loan là do lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp số lượng lớn ngày càng tăng.

"Gà nhà" đá nhau!


Để xảy ra tình trạng nêu trên, cơ quan quản lý lao động ngoài nước của Việt Nam cũng đã chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân cần nhanh chóng giải quyết. Thứ nhất, kinh phí của người lao động đi xuất khẩu sang Đài Loan phải bỏ ra quá cao. Số liệu điều tra thực tế của Uỷ ban lao động Đài Loan đối với lao động các nước nhập cảnh tại sân bay trong 2 năm 2010 và 2011 cho thấy, mỗi lao động Việt Nam phải chi trung bình khoảng 5.600 - 6.000 USD/người. Thậm chí có một số lao động bị thu đến khoảng 6.500 - 7.000USD/người. Mức này cao hơn mức quy định là 1.800 - 2.500 USD. Đây chính là tiền môi giới, và mức này cao hơn rất nhiều so với chi phí của lao động Thái Lan, Philippin và Indonesia.


Cũng theo thông tin Cục QLLĐNN công bố thì nguyên nhân lao động Việt Nam phải chi tiền môi giới cao hơn so với lao động các nước khác là do doanh nghiệp dịch vụ việc làm của Đài Loan tuỳ tiện nâng mức phí môi giới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó thể hiện năng lực đàm phán của doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam kém hơn các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam nên dẫn tới người lao động bị thua thiệt. Nhiều bất cập khác cũng được chỉ ra như chất lượng lao động Việt Nam kém, tỷ lệ vi phạm hợp đồng, bỏ trốn của lao động cao hơn lao động các nước khác. Các doanh nghiệp Việt Nam khoán gọn cho các cơ sở, trong đó có cả các công ty Đài Loan tuyển chọn, đưa lao động sang Đài Loan đã dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam không kiểm soát được chi phí của người lao động.


Ngoài những nguyên nhân trên một vấn đề đáng quan ngại là hiện có quá nhiều đầu mối tuyển chọn đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan. Trong số đó có cả doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mượn giấy phép để tư vấn, tuyển chọn, thu tiền của người lao động. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn giấy phép của Đài Loan nhưng vẫn "móc nối" với các doanh nghiệp còn giấy phép, sử dụng tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp này để tổ chức đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân. Sự bát nháo này đã khiến tình hình càng trở nên phức tạp hơn!

Công Tâm

Theo tintuc.xalo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét