Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Chung cu tu nhan Lo lung chu quyen

Trong khi hàng loạt dự án nhà chung cư tư nhân (CCTN) được ồ ạt tung ra, các nhà đầu tư vẫn đua nhau "lướt sóng", thì có một tồn tại mà dường như ai cũng muốn lảng tránh, đó là vấn đề "chủ quyền". Theo quy định, các căn hộ CCTN hợp pháp sẽ được cấp giấy chủ quyền, nhưng thực tế lại khác rất nhiều.

Chung cu tu nhan:

Thờ ơ với... nhà của mình!

Dọn đến ở tại một trong những khu CCTN đầu tiên của Hà Nội ở Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) từ 2 năm trước, nhưng đến nay anh T.L vẫn chưa có giấy chứng nhận chủ quyền. "Đất vẫn chưa tách sổ được. Cả khu này chưa ai có hết. Chắc phải đợi chủ đầu tư làm sổ cho", anh T.L nói.

Cũng như rất nhiều người đã và đang mua và ở CCTN, anh T.L tỏ ra khá thờ ơ với vấn đề "chủ quyền" căn hộ. Theo anh chẳng cần phải "sổ đỏ - sổ hồng" mọi người vẫn ở bình thường, không có tranh chấp thì không có gì đáng lo ngại. Anh T.L cho biết, chưa từng một lần "thử đi làm giấy hay hỏi chính quyền" mà chỉ "nghe mang máng người ta bảo: có chỗ làm được, có chỗ không. Không biết khu nhà mình thuộc diện nào vì khu này làm từ lâu rồi".

Thực ra vấn đề cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất của loại hình căn hộ CCTN đã được quy định rõ tại Nghị định 71 năm 2010. Theo đó các căn hộ CCTN được xây dựng đúng quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu riêng cho từng căn và chứng nhận quyền sử dụng đất chung cho cả mảnh đất. Tức là, khi mua căn hộ CCTN, người mua sẽ được chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ và quyền sử dụng đất chung. Mảnh đất xây chung cư sẽ được chuyển quyền cho tất cả người mua dưới hình thức sở hữu chung chứ không thuộc về chủ đầu tư nữa. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều người mơ hồ về quyền sở hữu chung này. Chị Hiền, mới mua một căn hộ CCTN ở Mễ Trì Thượng nói: "Theo tôi hiểu thì đất vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Như mảnh đất của tôi thuộc chủ quyền của mấy chủ, nhưng họ ủy quyền cho một người đứng ra xây, bán"(?!).

Không khó hiểu với sự thờ ơ về "chủ quyền" này của người mua CCTN. Thứ nhất, chuyện sở hữu nhà, đất không có giấy tờ vốn rất phổ biến ở nước ta, nó đã thành một thói quen. Thứ hai, nhiều người cho biết, họ có lo nhưng không "sốt sắng" vì dù sao nhà cũng là nhà của mình, không ai có thể tranh chấp, tất cả mọi người đều không có giấy chứng nhận chứ không riêng mình... Còn về phía chủ đầu tư, họ cũng có lý do để thờ ơ với việc làm giấy tờ sở hữu cho từng căn hộ, vì dù gì thì nhà cũng đã bán, tiền cũng đã thu về.

Lỗi tại... Nhà nước (?!)

Theo quy định, "hộ gia đình, cá nhân chỉ được bán, cho thuê các căn hộ này sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các căn hộ đó". Tuy nhiên, thực tế, các căn hộ CCTN vẫn được bán "lách luật" bằng các văn bản thỏa thuận hay hợp đồng góp vốn. Như trường hợp chị Hiền, chị đã trả đầy đủ tiền nhà cho chủ đầu tư nhưng trong tay chỉ có: 1 văn bản thỏa thuận mua nhà có công chứng; 1 bản photo có công chứng giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế khu nhà; 1 bản photo có công chứng giấy chứng nhận sở hữu mảnh đất ghi nhận sở hữu chung. Chị cho biết, khi mua thì chủ đầu tư có nói nếu tự làm sổ thì giữ lại 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chị cùng các hộ khác trong khu đã thống nhất là sẽ để chủ đầu tư làm sổ cho một lượt nên đã nộp hết toàn bộ tiền cho chủ đầu tư (!?).

Thực ra, khi rao bán CCTN, các chủ đầu tư đều có quy định trừ ra khoảng 5- 10% trên tổng giá trị căn hộ, người mua sẽ nộp khi khu nhà hoàn thiện và có giấy chứng nhận chủ quyền. Nhưng cũng như trường hợp chị Hiền, nhiều người đã "úi xùi" nộp luôn một lượt cho chủ đầu tư mà quên mất rằng khoản giữ lại "5 - 10%" đấy chính là "động lực" để hối thúc chủ đầu tư làm nhanh giấy tờ chủ quyền cho các căn hộ.

Ở một khía cạnh khác, chủ đầu tư có lẽ cũng muốn làm giấy tờ chủ quyền cho các căn hộ một cách đằng thẳng. Khi đó, việc mua bán của họ sẽ được minh bạch, khỏi phải lách cách này, cách khác. Vậy điều gì đã cản trở họ? Đây lại là một phần của câu chuyện giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất hay còn gọi là "sổ đỏ - sổ hồng" tồn tại nhiều năm nay. Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng: ""Sổ đỏ - sổ hồng" đáng ra phải được cấp như Giấy khai sinh".

Nhưng thực tế có một sự khác biệt lớn. Hiện nay, chi phí toàn bộ để có một giấy khai sinh là 10.000 đồng và 5 ngày. Còn chi phí để có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, thật khó tính được. Hiện nay, chúng ta có quy định: phải làm giấy khai sinh cho em bé trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh. Nếu chậm sẽ bị phạt. Vậy tại sao chúng ta lại để chủ quyền của các tài sản bất động sản như nhà, đất treo lơ lửng? Trong khi sự treo lơ lửng này không chỉ gây khó dễ cho người dân mà còn khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước, đặc biệt là các khoản thuế bị thất thu.

Đắc Kiên

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét