Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Cho doanh nghiep tu quyet gia trong xe la dung

"Cho doanh nghiệp tự quyết giá trông xe là đúng"

'Cho doanh nghiep tu quyet gia trong xe la dung'



[ Bộ GTVT ra quân "sờ gáy" vỉa hè lòng đường Hà Nội ]


Mới đây, Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc thí điểm thay đổi "phí trông giữ xe" thành "giá trông giữ xe" tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này.

Đừng nhầm lẫn giá và phí

- Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề thí điểm đ ổi "phí trông giữ xe" thành "giá trông giữ xe" tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh?

Ông Thạch Như Sỹ: Tôi cho rằng đây sẽ là bước chuyển biến lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào bãi đỗ xe. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá và phí.

Phí là của Nhà nước, công cộng mà ai dùng thì đóng một phần phí. Ví dụ dùng lòng đường, vỉa hè, khu đất trống… trả Nhà nước một phần phí này.

Nhưng nhà đầu tư thì là đất của họ, họ kinh doanh thì phải trả về giá chứ không phải phí. Trông giữ thô sơ có giá khác, có mái che giá khác, nhà trông giữ thông minh, dùng máy gắp xe… thì phải giá khác chứ. Dịch vụ thế nào giá thế đó.

Người dân có quyền lựa chọn. Ví như chiếc xe hàng chục tỷ, hay một vài trăm triệu… chọn chỗ nào cho phù hợp. Đây là nhu cầu rất lớn của nhân dân, nhu cầu có thật.

Các nhà đầu tư đều nhìn thấy nhu cầu dịch vụ đỗ xe là có thật và có thể làm ra tiền ngay. Tuy nhiên, chính mức phí trông giữ đã khiến người ta ngại.

- Vậy, liệu có nguy cơ giá trông giữ xe có thể bị "thổi" lên khi doanh nghiệp được tự ý quyết định giá trông giữ xe?

Ông Thạch Như Sỹ: Doanh nghiệp được quyền quyết định giá vé là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vé cần sự quản lý của Vụ Chính sách giá (Bộ Tài chính) nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Giá vé trông giữ xe cũng giống như giá taxi. Các nhà kinh doanh quyết định giá trên thang bậc giá mà Nhà nước đưa ra.

Cần kiên quyết trả quỹ đất cho điểm đỗ theo đúng quy hoạch

- Hiện nay, đất dành cho giao thông tĩnh quá thiếu, quy hoạch các điểm đỗ xe bị phá vỡ và đẩy cái khó cho thành phố. Quan điểm của ông như thế nào về thực tế này?

Ông Thạch Như Sỹ: Giao thông tĩnh rất quan trọng nhưng giao thông động còn quan trọng hơn. Đầu tiên, ngành giao thông phải quan tâm đi lại cho nhân dân thật tốt, ưu tiên giao thông động rồi mới lo đến được tĩnh.

Hiện nay, giao thông tĩnh hay động ở Hà Nội đều khó khăn. Chúng ta sử dụng quá nhiều cơ sở hạ tầng cho đỗ xe. Thiếu thì vẫn thiếu nhưng nếu biết lựa thì vẫn đủ. Mỗi người hy sinh đi một chút, khó đi một chút vì lợi ích chung thì sẽ làm được.

Hà Nội vẫn đang mở rộng những khu đất, các cơ sở ngoài đê, kêu gọi các nhà đầu tư phục vụ nhân dân. Thành phố đang vừa xây và vừa chống với việc thiếu các điểm đỗ xe. Bước đầu có thể gặp khó khăn nhất định vì thực tế đang khó khăn thật.

Tại Hà Nội có một số điểm đã quy hoạch làm điểm đỗ xe xây dựng rồi nhưng lại không sử dụng đúng mục đích thực hiện như: Điểm tại Thư viện quốc gia đang thành quán café Trung Nguyên; Điểm tại ngã ba Đinh Lễ -Ngô Quyền cũng như tại ngã tư Khâm Thiên- Lê Duẩn cũng đang bị khai thác sử dụng sai mục đích... Bệnh viện Việt Đức, sân vốn là chỗ để xe nay thành quầy bán thuốc, căng tin.

Tôi cho rằng Ủy ban Nhân dân cần kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng những điểm đã quy hoạch này theo đúng mục đích.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, các nhà cao tầng khi được cấp phép xây phải có tiêu chuẩn đảm bảo đủ chỗ để xe cho người dân nhưng hiện nay vấn đề này vẫn chưa được chú ý và quan tâm đúng mức. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Thạch Như Sỹ: Trong quy hoạch và trong cấp phép xây dựng có nói rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe…Nhưng hiện nay vẫn có quá ít tòa nhà làm được điều này. Vì vậy, chúng ta cần làm nghiêm túc ngay từ khi phê duyệt dự án và có kiểm tra giám sát cũng như có chế tài hợp lý.

Các nhà máy, công sở, đơn vị khác cũng cần chia sẻ khó khăn về giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố. Sắp tới tất cả những vấn đề này sẽ được chúng tôi tập hợp ra giải pháp để góp ý với thành phố.

- Được biết, đợt thanh tra lần này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nhằm vào cả đơn vị chuyên quản lý, cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường như Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân quận. Vậy đâu là lý do Bộ tiến hành thanh tra tất cả các cơ quan này?

Ông Thạch Như Sỹ: Vấn đề sử dụng lòng đường, hè phố là vấn đề nhạy cảm, cũng là vấn đề rất khó trong ban hành văn bản làm sao phù hợp, khó tổ chức thực hiện, khó làm sao đảm bảo giữa nhu cầu nhân dân và đảm bảo quản lý của Nhà nước.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân làm tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng phức tạp. Đợt thanh tra lần này nhằm tìm một giải pháp tốt nhất, đề xuất ban hành văn bản cũng như tổ chức thực hiện cho phù hợp.

Sử dụng lòng đường vỉa hè liên quan đến nhiều vấn đề: Trách nhiệm quản lý cơ quan nhà nước của Ủy ban Nhân dân thành phố, các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng; các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng gồm việc trông giữ phương tiện, dùng để kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng…

- Thưa ông, lần thanh tra này có thanh kiểm tra đến việc sử dụng phí, lệ phí và cấp phép sử dụng các điểm trông giữ xe, lòng đường, vỉa hè không?

Ông Thạch Như Sỹ: Việc cấp phép và sử dụng phí này nhận được nhiều ý kiến từ nhân dân. Riêng Hà Nội cũng đã có rất nhiều văn bản, đã phân công trách nhiệm các sở, quận huyện rạch ròi. Ủy ban Nhân dân Hà Nội luôn tìm các giải pháp để quản lý tốt nhất…

Ví như Sở Giao thông Vận tải quản lý lòng đường; quận quản lý vỉa hè; một số tuyến nhạy cảm cần phải điều chỉnh, những tuyến phố chính, trục vành đai, hướng tâm… giao cho Sở quản lý cả lòng đường, vỉa hè.

- Xin cảm ơn ông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét