Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Len chuc, mat phu cap

TT - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản giao thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc tổ chức xét duyệt và chịu trách nhiệm về đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi. (GDVN) - Sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM đang kêu trời vì trường áp dụng hình phạt với những trường hợp nộp học phí muộn: Đóng tiền gấp đôi và phải học lại. (GD&TĐ) - Sáng ngày 26/5, Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Vinh. Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi của tỉnh tham dự buổi làm việc.

Văn bản này lưu ý đối tượng cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc trung tâm) phải trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định, giờ dạy phải được ghi trên thời khóa biểu, sổ đầu bài mới được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Theo quy định, hiệu trưởng, hiệu phó trường phổ thông có nghĩa vụ phải tham gia giảng dạy hai hoặc bốn tiết/tuần. Cũng có nhiều hiệu trưởng, hiệu phó thu xếp được công việc, duy trì việc đứng lớp. Tuy nhiên trên thực tế vì nhiều lý do, phần đông hiệu trưởng, hiệu phó hiện không thể tham gia giảng dạy. Đặc trưng trường tiểu học, giáo viên chủ nhiệm dạy hầu hết các môn, các thành viên ban giám hiệu dẫu muốn cũng rất khó thực hiện nghĩa vụ đứng lớp. Ngoại trừ những trường tiểu học thiếu giáo viên trầm trọng, hiệu phó làm nhiệm vụ giáo viên, còn lại hầu như khó có thể bố trí giờ cho ban giám hiệu tham gia giảng dạy.

"Không phải chúng tôi không muốn đứng lớp giảng dạy nhưng thực tiễn ai làm quản lý đều hiểu: lao động ban giám hiệu bây giờ chỉ có hết giờ chứ không hết việc. Bản thân tôi từng đứng lớp hai tiết/tuần, giờ dạy được xếp thời khóa biểu cố định nhưng chuyện họp hành bất kể ngày nào, giờ nào. Cứ mỗi lần đi họp phải nhờ giáo viên đứng lớp thay, nhờ nhiều lần thấy phiền quá đành tạm ngưng đứng lớp" - một hiệu trưởng trường THCS bày tỏ.

Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng hướng dẫn của sở nhằm hướng các trường thực hiện đúng quy định: có đứng lớp mới được hưởng phụ cấp. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng tiếp nhận thông tin này với tâm trạng buồn, bức xúc. Phụ cấp ưu đãi ở mức 30, 35, 40% so với lương. Trong điều kiện đời sống khó khăn, mất đi khoản phụ cấp này hẳn nhiên cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Nhưng đáng buồn hơn là tâm tư của những người giáo viên giỏi nhất được điều động làm công tác quản lý. Bởi nếu nhận đồng nghĩa với việc họ có thể mất khoản phụ cấp, thu nhập thấp hơn so với khi còn là giáo viên.

Vì thế, có trường đang tính đến chuyện bố trí hiệu trưởng, hiệu phó dạy đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc đối với trường tiểu học, phổ thông hay xuống lớp lo ăn uống, chăm sóc trẻ đối với trường mầm non để đáp ứng quy định có giờ đứng lớp. Và câu chuyện tính phụ cấp làm sao cho hợp tình hợp lý vẫn còn là câu chuyện dài.

PHÚC ĐIỀN


Báo Giáo dục Việt Nam vừa nhận được phản ánh của các bạn sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM về việc trường áp dụng hình thức phạt sinh viên bị phạt số tiền gấp đôi và phải học lại môn học đóng học phí muộn đó.

Phạt tiền gấp đôi vì đóng học phí muộn

Trong lá thư gửi đến tòa soạn một bạn độc giả viết: "Kính gửi quý báo tôi đang là sinh viên của ĐH Công Nghiệp TPHCM. Hiện nay theo như tôi biết sinh viên trường tôi đang rất bức xúc về vấn đề "phạt tiền" của nhà trường dành cho sinh viên đóng học phí trễ. Nhà trường phạt chúng tôi bằng hình thức CẤM THI VÀ BUỘC ĐÓNG TIỀN 2 LẦN/1 MÔN ĐÓNG TIỀN TRỄ. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại lên nhưng nhà trường không giải quyết. Phải nói rõ rằng chúng tôi đã đóng tiền lần 1 nhưng vẫn bị cấm thi và phải đóng tiền lại lần 2.

Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Nếu tình trạng này vẫn kéo dài tôi tin những sinh viên nghèo sẽ không còn đường đi học. Kính mong quý báo có thể giúp chúng tôi, những sinh viên nghèo đang tuyệt vọng và không biết phải kêu cứu ai".

Sinh viên này cho biết trong học kì 3 năm học 2011 – 2012, sinh viên bỗng nhận được thông báo "Những học phần sinh viên đã đăng ký mà không đóng học phí sau khi đã hết hạn đóng phí lần thì phải nhận điểm N* (nợ) học phần đó. Sinh viên muốn đăng ký học lại học phần này sinh viên phải đóng học phí cho cả lần đăng ký trước".

Như vậy, sinh viên đóng học phí chậm một môn nào coi như bị trượt mộn học đó. Sinh viên chỉ được đăng kí học lại vào học kì sau khi đã đóng học phí gấp đôi số tiền học phí bình thường quy định.

Mất tiền, mất thời gian và nguy cơ ra trường muộn

Các bạn sinh viên đã từng bức xúc trước việc ĐH FPT quy kết những trường hợp nộp chậm học phí vào diện tự ý nghỉ học và phải nộp 100 USD. Tuy nhiên, với trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hình phạt còn "tàn khốc" hơn rất nhiều, đó là sinh viên vừa phải đóng tiền gấp đôi, vừa phải chờ để học lại. Không ít bạn sinh viên lo lắng việc học phải học lại này sẽ khiến các bạn ra trường chậm hơn so với bình thường.

Một trường hợp rất dễ xảy ra đối với việc đào tạo theo tín chỉ là: môn học A có thể xuất hiện ở học kì 1 với nhiều lựa chọn, nhưng nếu không đăng kí được học kì 1, sang học kì 2 muốn học môn này, sinh viên phải phụ thuộc vào may rủi rất nhiều. Nếu chẳng may môn học A bị trùng lịch với các môn học khác, hoặc nếu học kì 2 không có môn học A, thì sinh viên phải đợi đến học kì 3,4. Như vậy nguy cơ ra trường muộn với hình thức đào tạo tín chỉ khi sinh viên không học theo đúng lịch trình đào tạo là rất cao.

Sinh viên này bức xúc: "Bọn em học theo hình thức tín chỉ phải tự đăng kí môn học của mình. Do nhiều nguyên nhân mà chúng em gặp phải khi đăng kí môn học, nên thời gian để đóng học phí cũng bị xáo trộn. Nhưng khi chúng em đã đóng học phí xong xuôi rồi thì vẫn nhận được thông báo không được học môn học này và phải đăng kí học kì sau, đồng thời vẫn phải đóng tiền môn học này một lần nữa. Điều này thật là vô lí. Hoặc là phạt tiền hoặc là phạt không cho học thôi chứ, đằng này nhà trường lại vừa thu tiền phạt, vừa không cho thi thì làm cho bọn em thấy thất vọng vô cùng."

Trung bình một học kì mỗi sinh viên được đăng kí từ 10 đến 20 tín chỉ, học phí trên một tín chỉ là 245.000 đồng. Nếu như một bạn sinh viên bị lỡ đóng học phí chậm 20 tín chỉ thì số tiền không hề nhỏ lên tới 4.900.000 đồng/20 tín chỉ. Theo như phản ánh của bạn sinh viên trên: "Lớp em có rất nhiều bạn bị chậm một vài môn. Em bị chậm mất hai môn, 4 tín chỉ là 980.000 đồng. Bạn của em bị chậm 11 tín chỉ là 2.695.000 đồng. Số tiền ấy không hề nhỏ với những sinh viên phải xin từng đồng của ba mẹ để đi học như chúng em".

Các ban sinh viên Trường ĐH Công nghiệp HCM đang đặt ra một câu hỏi rằng: Ngành giáo dục đang quan tam đến lợi nhuận hay việc đào tạo sinh viên? Và Trường ĐH Công nghiệp HCM đang hoạt động phi lợi nhuận hay chạy theo lợi nhuận?

Liệu có hay không việc Trường ĐH Công nghiệp HCM áp dụng hình thức vừa phạt tiền vừa bắt học lại này với sinh viên, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ câu chuyện này.


(GD&TĐ) - Sáng ngày 26/5, Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Vinh. Ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi của tỉnh tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012 đã được chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ thi cấp tỉnh và các ngành liên quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch kịp thời nhằm triển khai thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tuy trong quy chế thi không quy định, nhưng căn cứ thực tế và kinh nghiệm nhiều năm nay, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương mình. Việc tổ chức thi theo cụm vẫn được duy trì, nhưng các cụm thi được bố trí theo loại hình nhà trường (công lập riêng, ngoài công lập riêng) nhằm đảm bảo kết quả thi sát hơn với chất lượng thực của thí sinh. Trên 6.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động tham gia vào các công việc của kỳ thi đã được tập huấn nghiệp vụ. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi đã được hoàn tất và được Ban Chỉ đạo thi của tỉnh trực tiếp kiểm tra ... Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trên địa bàn Nghệ An có 59 cụm thi, 90 hội đồng coi thi, 1.729 phòng thi với 42.362 thí sinh dự thi.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã báo cáo với Đoàn công tác tình hình chuẩn bị thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2012 tại Cụm thi Vinh. Theo đó, đến thời điểm này, Cụm thi Vinh đã nhận được trên 86.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Trường Đại học Vinh đã khảo sát, bố trí địa điểm thi tại 84 phường, xã ở 5 huyện, thị xã, thành phố (Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Vinh) thuộc tỉnh Nghệ An và 16 thị trấn, xã ở thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trường Đại học Vinh đã làm việc với các ngành liên quan của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gửi công văn đề nghị chính quyền các địa phương có đặt địa điểm thi tạo điều kiện phục vụ tốt kỳ thi (đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực thực phẩm, nguồn điện,…); tiến hành kiểm tra các địa điểm thi;…

Theo ông Đinh Xuân Khoa, trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm nay, một số trường đại học đã đề nghị Trường Đại học Vinh làm luôn nhiệm vụ chấm bài thi tự luận cho họ. Từ thực tế này, Bộ nên nghiên cứu để có chỉ đạo cụ thể từ các kỳ thi sau. Ông Đinh Xuân Khoa cũng đề nghị Bộ nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cụm thi ngoài kinh phí do thí sinh đóng góp, bới thực tế, số tiền do thí sinh đóng góp không đủ chi dù chi với mức tối thiểu và hết sức tiết kiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kết luận tại buổi làm việc với Nghệ An

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị các kỳ thi của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là việc bố trí cho các trường trung học phổ thông ngoài công lập không thi chung cụm với các trường THPT công lập. Thứ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An chuẩn bị tốt các phương án phòng ngừa; tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.và tăng cường công tác tuyên truyền để mọi lực lượng cùng đồng thuận và thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thứ trưởng nhấn mạnh Nghệ An cấn chú trọng đảm bảo an ninh trước, trong và sau khi thi; có phương án phòng ngừa thiên tai, ùn tắc giao thpng, đảm bảo điện nước, thông tin liên lạc nhất là trong các ngày thi trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật; quản lý giá cả, không để giá cả leo thang đột biến trong thời gian thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thứ trưởng cũng đã ghi nhận các đề nghị của Trường Đại học Vinh để nghiên cứu, chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao Bằng khen cho Trường Đại học Vinh

Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho Trường Đại học Vinh vì đã có nhiều thành tích trong công tác tuyển sinh giai đoạn 2007-2011. Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ đã tới kiếm tra khu vực in sao đề thi và việc chuẩn bị ở một số địa điểm thi tại thành phố Vinh.

* Trước đó, sáng ngày 25/5, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi họp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Văn hóa-Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND thành phố Vinh để bàn giải pháp tổ chức tốt các kỳ thi năm 2012, quản lý học sinh trong hè; chống lạm thu trong các nhà trường và khắc phục tình trạng thiếu chỗ học của trẻ mầm non thành phố Vinh. Ông Nguyễn Xuân Đường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Ông Nguyễn Xuân Đường chủ trì họp bàn về tổ chức thi, quản lý học sinh trong hè, chống lạm thu và khắc phục tình trạng thiếu chỗ học của trẻ mầm non ở Vinh

Tại buổi họp, đại diện UBND thành phố Vinh đã trình bày thực trạng về chỗ học của trẻ mầm non trong năm học 2011-2012 và kế hoạch tuyển sinh năm học 2012-2013. Theo đó, chưa nói đến các cháu trong độ tuổi nhà trẻ mà chỉ tính các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, vào năm học 2012-2013, ở Vinh sẽ có 3.808 cháu dù có muốn cũng không được thu nhận vào các nhà trường. Nguyên nhân cơ bản của tình hình này là do điều kiện về cơ sở vật chất các trường mầm non chưa đảm bảo; có đến 02 phường (Lê Lợi và Hưng Phúc) chưa có trường mầm non công lập.

Sau khi nghe báo cáo và phát biểu bổ sung của các đại biểu, ông Nguyễn Xuân Đường kết luận: Các sở, ngành, địa phương liên quan phải đảm bảo mọi điều kiện để các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế. Đặc biệt, ở kỳ thi vào đại học, cao đẳng, số lượng thí sinh tăng so với năm ngoái 1,5 lần nên càng phải chú ý tới việc đảm bảo chỗ ở, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm,… Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xã hội và gia đình để tổ chức hoạt động hè bổ ích, an toàn cho học sinh, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng học sinh sa vào thói hư, tật xấu và bị tai nạn, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước. Rà soát tình hình và có giải pháp quản lý tốt để không xảy ra việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Cùng với việc nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các khoản thu hợp lệ nhưng mức thu quá lạc hậu. Riêng về vấn đề quá tải các trường mầm non trên địa bàn Vinh, giao UBND thành phố Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại, đảm bảo trước hết cho trẻ 5 tuổi được đi học 100%; nghiên cứu thực hiện các giải pháp tăng điểm trường, tăng số lớp trong một trường; tuyên truyền và công khai công tác tuyển sinh (nhất là công khai chỉ tiêu) ở các trường mầm non để nhân dân cùng giám sát; nếu có khó khăn mà thành phố Vinh không giải quyết được, phải sớm trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.

Minh Đức

,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét