Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Bao ve cay xanh

Mỗi khi đến mùa mưa bão, ngoài nỗi lo ngập nước, đi đường bị sụp hố "tử thần", bị dây điện bất thình lình đứt rơi xuống, người dân TP.HCM còn có một mối nguy hiểm luôn rình rập nữa là cây xanh bật gốc, gãy cành.

Đã có trên 400 cây xanh bị gãy, đổ trên địa bàn TP.HCM vào chiều tối 1.4, trong đó, phần nhiều bị trốc gốc với nhiều cây đại thụ, số còn lại bị gãy cành. Dù không có thiệt hại về người nhưng đã có thiệt hại về tài sản của người dân.

Đây là đợt gãy đổ cây xanh nặng nề nhất trong nhiều năm qua. Quan sát trên đường phố vào sáng 2.4, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều cây lim xẹt bị trốc gốc. Loại cây này có đặc điểm là dễ trồng, phát triển nhanh, cành lá rất sum suê, do vậy tán lá rất nặng, dễ bật gốc khi có mưa to, giông mạnh. Ngoài ra, trong số các loại cây bị bật gốc, có cả cây sọ khỉ và cây dầu đại thụ.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có hơn 100 chủng loại cây xanh khác nhau, trong đó có rất nhiều cây đại thụ (cây loại 3), có cây tuổi thọ lên đến hơn 100 năm tuổi, chủ yếu là sao và dầu, tập trung ở các quận 1, 3, 5, 10. Đã có những luồng ý kiến khác nhau về việc nên để lại hay thay thế các loại cây đại mộc này. Có ý kiến cho rằng nên thay thế vì lo ngại nếu cây ngã đổ thì hậu quả rất nặng nề. Tuy nhiên, cũng có ý đề xuất giữ lại để bảo tồn giá trị về cảnh quan của đô thị Sài Gòn - TP.HCM.

Thay thế hay bảo tồn vẫn còn tranh cãi nhưng với phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, việc cây xanh bật gốc, gãy cành đang gây lo lắng cho người dân TP. Vì vậy, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho cây xanh đô thị bởi cây sống lâu trên đất cằn, lại bị bê tông hóa nên rễ kém phát triển, dễ bị bật gốc khi có mưa gió to. Tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy đã khó, lại còn có chuyện một số người tìm cách phá hoại cây như bóc vỏ, đổ chất độc hại để đầu độc, chặt rễ… Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra để phát hiện chặt bỏ, cắt tỉa những cây có nguy cơ gãy, đổ cao, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm những người có hành vi phá hoại cây xanh.

TP.HCM hiếm khi có bão, nhưng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc luôn xảy ra mỗi khi mùa mưa đến. Mưa bão gây gãy đổ cây xanh, ai cũng thấy rõ như ban ngày là do thiên tai. Thiên tai không thể ngăn cản được, nhưng nếu như có bàn tay chăm sóc của con người đối với cây xanh đô thị, thì thiệt hại sẽ giảm phần nào. Sự an toàn đối với sinh mạng con người luôn luôn đặt lên hàng đầu. Bảo vệ cây xanh không bị gãy đổ cũng chính là bảo vệ sự an toàn cho người dân, để mỗi khi đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, mọi người không còn nơm nớp lo sợ mối hiểm họa treo lơ lửng.

Mai Vọng


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét