Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Tuyen thang DH, lieu thuoc cho hoc sinh gioi quoc gia

QĐND Online – Hơn 1.200 học sinh giỏi đoạt giải trong kỳ thi tuyển học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) được tuyển thẳng vào ĐH năm 2012, có lẽ là thông tin được nhiều học sinh và những người làm công tác giáo dục quan tâm nhất trong tuần qua. Đây không chỉ là "liều thuốc" lôi kéo học sinh giỏi cống hiến tài năng, nâng cao chất lượng các kỳ thi của quốc gia, mà còn tạo ra niềm hi vọng mới cho đội tuyển quốc gia Việt Nam tìm lại "ánh hào quang" đang nhạt dần ở kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Tuyển thẳng ĐH, liều thuốc cho học sinh giỏi quốc gia
Quy chế tuyển thẳng đại học đối với HSG đoạt giải sẽ khuyến khích HSG tham gia các kỳ thi của quốc gia

Những năm qua, thứ hạng của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục bị "rớt hạng". Đội tuyển Olympic Toán một thời "làm mưa, làm gió" trên đấu trường quốc tế thì nay cũng dần bị đẩy ra khỏi tốp những đội tuyển mạnh của Olympic Toán quốc tế.

Tổng số huy chương vàng của đoàn Việt Nam đạt được những năm gần đây có xu hướng giảm. Cách đây hơn 6 năm, thành tích của đội tuyển Olympic Việt Nam luôn xếp hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng đến nay các nước trong khu vực đã đuổi kịp, thậm chí vượt qua chúng ta…

Trước tình trạng đó, nhiều hội thảo được đưa ra, bàn về công tác thi tuyển HSGQG, nguồn để tuyển chọn những học sinh có năng lực thực sự bồi dưỡng tập huấn, tham dự đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực. Đã có những giải pháp được đưa ra nhưng "chất lượng" của đội tuyển HSGQG vẫn không thể "nâng tầm" bởi nhiều lý do. Trong đó, tình trạng học sinh giỏi "sợ" vào đội tuyển là lý do được các nhà giáo, nhà khoa học nhắc tới nhiều nhất.

Để được tham gia đội tuyển HSGQG, các em phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn từ cấp trường đến thành phố và cuối cùng là tranh tài toàn quốc. Các kỳ thi gắt gao diễn ra trong thời gian ngắn khiến các em phải "vật lộn" với mớ kiến thức ôn luyện khổng lồ và "bỏ bê" những kiến thức khác ở trường…

Nhiều giáo viên tâm huyết với học sinh ở một số trường chuyên tại Hà Nội đều có chung suy nghĩ: nếu đỗ kỳ thi HSGQG thì theo quy chế, các em còn được "an ủi" bằng việc ưu tiên khi xét tuyển ĐH. Nếu trượt kỳ thi này, các em chỉ còn một tháng để "đuổi" theo những kiến thức đã mất, như vậy sẽ rất thiệt thòi khi áp lực kỳ thi ĐH đang đến gần. Do đó, nếu "bị" chọn vào đội tuyển của trường để đi thi, cả cô và trò đều khó "toàn tâm, toàn ý".

Vì thương học trò, cũng như vì đảm bảo cho mình một con đường vào ĐH vững chắc nên cả giáo viên và học sinh giỏi đều không mấy mặn mà khi phải vào đội tuyển.

Kết quả của việc "không mấy mặn mà" ấy là con số HSG tham dự kỳ thi quốc gia giảm dần, chất lượng đội tuyển HSGQG cũng vì thế mà giảm theo. Điều đó đã được chứng minh qua thành tích "thảm hại" của đoàn HSG Việt Nam tại IMO năm 2011: đoàn Việt nam xếp thứ 31/101 (tại IMO 2007 tổ chức tại Việt Nam, đoàn HSG Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn, năm 2008, 2009 tụt xuống xếp thứ 12 và 15. Năm 2010 xếp hạng 11/96).

Có lẽ nhận ra nhiều bất cập sau 7 năm dỡ bỏ quy định tuyển thẳng vào ĐH, CĐ của học sinh đoạt giải HSGQG, năm học 2012, Bộ GD và ĐT đã khôi phục lại quy định này. Quyết định tuyển thẳng ĐH, CĐ đối với học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích, đã phần nào tháo gỡ những lo lắng, tạo động lực, giúp các em yên tâm khi tham gia kỳ thi HSGQG. Có thể nói, đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tuyển chọn HSG.

Tuy nhiên, quy định mới này đã có chút thay đổi so với quy định cũ, đó là đối tượng được tuyển thẳng thay vì có thể đăng ký tuyển thẳng vào các ngành mà môn đoạt giải nằm trong một khối thi ĐH, CĐ, thì chỉ cho phép các em được tuyển thẳng vào nhóm ngành liên quan mật thiết đến môn đoạt giải.

Điểm mới này, rõ ràng thể hiện quan điểm của Bộ GD và ĐT là ngoài việc khuyến khích HSG tham gia kỳ thi, còn có những định hướng để các em HSG theo học các chuyên ngành khoa học cơ bản, những ngành học mà đất nước đang cần đội ngũ có chất lượng cao.

Con số 4.160 thí sinh dự thi 12 môn trong kỳ thi HSGQG năm 2012, trong đó, gần 2.100 thí sinh đoạt giải, hơn 1.200 em được tuyển thẳng vào ĐH, đã cho thấy câu trả lời tích cực cho quyết định mới của Bộ GD và ĐT.

Mong rằng con số tích cực đó là bước khởi đầu thuận lợi để phong trào HSG đi lên và đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ sớm tìm lại chỗ đứng đích thực của mình trên trường quốc tế.

Song Hà

Theo tintuc.xalo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét