Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Tim co che benh Parkinson tu ruoi giam

Bệnh Parkinson (run tay) do hệ thần kinh trung ương bị thoái hoá theo tuổi tác, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thăng bằng và kiểm soát cơ thể của bệnh nhân. Đây là một trong những bệnh về rối loạn thần kinh khá phổ biến. Trong nhiều năm qua, y học đã có nhiều nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra cơ chế gây bệnh.

Tìm cơ chế bệnh Parkinson từ ruồi giấm

Thế nhưng, một nữ sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã miệt mài nghiên cứu từ những chú ruồi giấm, tạo bước tiền đề tìm ra cơ chế phát sinh phân tử gây bệnh Parkinson với đề tài mang tên: "Tạo mô hình ruồi giấm chuyển gien SNCA biểu hiện protein a-synuclein nhằm ứng dụng trong nghiên cứu cơ chế phát sinh bệnh Parkinson". Về lâu dài, dự án này còn mở ra khả năng thử nghiệm liệu pháp gen nhằm ức chế con đường tiến triển của bệnh Parkinson.

Tìm cơ chế bệnh Parkinson từ ruồi giấm

Chủ nhân của ý tưởng này là Nguyễn Thị Mai, sinh viên khoa Công nghệ Sinh học. Cô gái người Đà Lạt này cho biết, ý tưởng nảy sinh và cô bắt tay thực hiện khi bước vào năm học thứ ba.

Trước đó, Mai đã tìm hiểu và nhận ra gen và dòng ruồi để tìm cơ chế phát sinh bệnh. "Từ những phát hiện đó, tôi thấy hứng thú và bắt tay vào nghiên cứu để mọi người hiểu rõ hơn về cơ chế phát sinh bệnh", Mai nói.

Theo Mai, ruồi giấm Drosophila Melanogaster là mô hình được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu y - sinh học do có những ưu điểm vượt trội. Phương pháp của cô là tiến hành thí nghiệm chuyển gen liên quan đến bệnh Parkinson vào loại ruồi này để từ đó tìm ra đánh giá cơ chế phát sinh.

Mai đã sử dụng mô hình ruồi giấm Drosophila Melanogaster để chuyển gen SNCA người thông qua việc tạo dòng vector tái tổ hợp pUAST/SNCA, sau đó tiêm vào phôi ruồi.

Kết quả, cô đã tạo thành công dòng vector tái tổ hợp pUAST/SNCA và biểu hiện protein a-synuclein hoang dại cùng các dạng đột biến A30P, A53T a-synuclein tại mô não của các dòng ruồi chuyển gen.

Không có nhiều điều kiện để thực hiện dự án, nhất là khó khăn về thiết bị, Mai phải nhờ cậy phòng thí nghiệm của nhà trường và sự giúp đỡ của TS. Đặng Thị Phương Thảo (Phó trưởng khoa Sinh học).

Rất may, nhờ mối quan hệ của bà Thảo, dự án của Mai đã được Viện Công nghệ Kỹ thuật Kyoto (Nhật) giúp đỡ thực hiện tại phòng thí nghiệm công nghệ nhiễm sắc thể của viện này và đã mang lại thành công.

Ấn tượng với đề tài của Mai, cơ quan này đã chuyển giao thêm công nghệ và hợp tác bằng cách gửi thêm cho Mai nhiều mẫu ruồi để nghiên cứu.

Không phụ sự giúp đỡ đó, đề tài của Mai đã được Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka đánh giá rất cao về ý tưởng và sự đóng góp mới mẻ hé mở ra hướng nghiên cứu cơ bản đầy tiềm năng ở Việt Nam, đồng thời mang lại cho Mai giải đặc biệt tại Eureka 2011 vừa qua.

"Dự án này mới chỉ là bước đầu và hy vọng sẽ mở ra thêm một hướng nghiên cứu điều trị bệnh Parkinson. Nếu mọi thứ thuận lợi, tôi sẽ dồn sức nghiên cứu thêm và cũng mong nhận được thêm sự giúp đỡ của các tổ chức chuyên môn về phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất", cô gái nhỏ nhắn phát biểu sau lễ trao giải Eureka.


Theo tintuc.xalo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét