Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Thau hieu de nang dỡ con tre

TT - Gần gũi, quan tâm, chia sẻ hơn... là những điều mà thầy cô cùng cha mẹ cần làm để có thể thấu hiểu con trẻ, nâng đỡ các em trong những giai đoạn khó khăn, giúp các em tránh hành vi nông nổi đáng tiếc.

Đó là chia sẻ trong tâm trạng đau buồn của hai cô giáo có học sinh đã dại dột làm điều thiệt thân, gây nên nỗi đau lớn cho gia đình và nhà trường mới đây.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga nói rằng cô luôn day dứt, mất ngủ sau khi xảy ra câu chuyện đau lòng của học sinh mình - Ảnh: Duy Thanh

Nguyễn Thị Thanh Nga (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Tuy Hòa, Phú Yên):

Day dứt vì chưa thấu hiểu học sinh

Mấy ngày nay, mỗi khi vào lớp, nhìn vào vị trí Sự ngồi chỉ là một chỗ trống, đầu óc tôi cũng trống rỗng và nỗi buồn lan tỏa cùng với sự day dứt (học sinh Trương Văn Sự vừa uống thuốc diệt chuột tự tử hôm 21-3)

Tôi làm giáo viên chủ nhiệm của Sự năm lớp 12 này, nhưng tới ngày 8-3 vừa qua, khi Sự đến nhà thăm tôi nhân Ngày quốc tế phụ nữ, cô trò tâm sự chân tình với nhau và tôi mới biết bố mẹ Sự ly dị nhiều năm trước. Nếu tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh từng học sinh, chắc chắn tôi đã có nhiều thời gian để thường xuyên quan tâm, chia sẻ với Sự nhiều hơn.

Vào ngày 19-3, ngày thứ hai Sự nghỉ học, tôi có hỏi mấy em học cùng lớp là bạn thân của Sự thì được biết là Sự đang trên đường từ Đà Lạt về, hẹn một số bạn vào tối cùng ngày sẽ liên hoan để chia tay vì sắp xuất cảnh. Ngay chiều đó tôi đến báo với mẹ Sự việc trên và được biết là không có việc Sự sắp xuất cảnh, mà em bỏ nhà đi mấy ngày trước, cầm chiếc xe Air Blade để lấy tiền tiêu xài. Nếu nhạy cảm hơn thì khi đó tôi phải nghĩ rằng với những bất hạnh vì hoàn cảnh gia đình, mặc cảm tội lỗi khi đi cầm xe, về khả năng bị gia đình la mắng... sẽ khiến Sự có hành động thiếu suy nghĩ. Đáng tiếc là việc đó đã xảy ra vào trưa 21-3.

Tôi có quan tâm đến học sinh của mình, nhưng thật sự chưa thấu hiểu các em, chưa là người để các em tâm sự, chia sẻ nhiều điều. Đó chính là điều làm tôi day dứt trước cái chết của em Sự.

Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng nghĩ rằng đây đó còn nhiều thầy cô giáo chỉ nghĩ rằng mình làm tốt công tác giảng dạy chuyên môn mà thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu, chia sẻ để trở thành những người bạn thân thiết, hiểu các em và có thể giải tỏa được những vấn đề nghiêm trọng ở học sinh của mình.

Nhiều học trò còn thụ động, biết bạn mình có vấn đề nhưng chỉ tự chia sẻ với nhau mà không báo với giáo viên, nhà trường hoặc gia đình để tìm cách giải quyết, do vậy giáo viên cần khơi gợi để các em chủ động thông báo diễn biến bất thường của bạn bè nhằm có cách giải quyết kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Đáng nói là hiện nay, nhiều vị phụ huynh chỉ lo việc làm ăn mà quên chăm sóc con cái, chỉ hỏi con cần gì thì sẵn lòng đưa tiền để đáp ứng. Ngược lại, có phụ huynh lo lắng cho con quá mức đến việc gì cũng làm thay khiến con không tự quyết được. Lại có những vị phụ huynh chỉ biết la mắng, đánh đập, không chia sẻ, khuyến khích, động viên con vượt qua những khó khăn... Tất cả những điều đó đều làm cho trẻ ức chế và có thể có những hành vi phản ứng thiếu suy nghĩ.

Phải tinh tế mới hiểu được con

Sau nhiều ngày xảy ra sự việc đau lòng của ba nữ sinh Trường Phan Chu Trinh (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông), cô Trần Thị Nhài - giáo viên chủ nhiệm của ba nữ sinh này - cho biết vẫn không thể lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.

Cô Nhài nói cô là người rất gần gũi với ba nữ sinh, nhiều lần có những chuyện "khó nói" các em đều tâm sự với cô nhưng trong sự việc đau lòng nói trên hầu như không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi khác thường ở các em để cô có thể phát hiện. "Sau khi sự việc xảy ra, tôi là một trong ba người được tiếp cận cuốn nhật ký mà một em học sinh đã viết lại. Khi đọc xong nhật ký tôi thật sự choáng váng.

Trong cuốn nhật ký này một em đã đơn độc ôm những suy nghĩ, những muộn phiền nhiều năm mà nguyên nhân là những trắc trở nhỏ nhoi kiểu như: "Bố mẹ ai cũng đúng mà sao lại không chịu ngồi lại với nhau, hiểu nhau để giữ hòa khí gia đình", rồi: "Mình đang xem tivi mà anh trai lại tới chuyển qua kênh khác để xem, khi mình phản ứng thì bố mẹ lại la mình, tại sao lại phân biệt đối xử như thế?".

Theo cô Nhài, đối với người lớn thì những chuyện như thế là hết sức nhỏ nhặt, nhưng ở độ tuổi các em học sinh đôi khi lại là vấn đề rất lớn. Việc cha mẹ, người thân ít dành thời gian làm bạn với con, đặt mình vào lứa tuổi của con để có thể hiểu các em đang nghĩ gì chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh bế tắc và lựa chọn bạn bè để chia sẻ.

"Cũng là một người mẹ nên tôi hiểu phần nào về tâm sinh lý các em. Làm sao để có thể "kết bạn" và "đọc" những suy nghĩ của con cái là điều vô cùng khó, phải hết sức tinh tế và nhạy cảm, theo dõi từng cử chỉ, việc làm và cả những điều riêng tư nhất thì mới giải tỏa được".

Bố mẹ, thầy cô, anh chị... cần phải đặt mình ở lứa tuổi nhỏ, nói chuyện với con cái như một người bạn và chủ đề câu chuyện cũng phải hết sức đơn giản để thông qua đó đoán dò ý các em.

Gia đình là yếu tố quan trọng nhất nhưng hiện nay do bận bịu công việc, hoặc người lớn luôn lấy suy nghĩ ở lứa tuổi mình để nói chuyện với con khiến các em rơi vào cảm giác bị áp đặt hoặc lạc lõng dẫn đến những hành động dại dột" - cô Nhài nói.

ĐOÀN TỪ DUY - THÁI BÁ DŨNG

DUY THANH ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét